Các giá trị sống chính là các yếu tố được hình thành từ những đứa trẻ có được khả năng học tập các kỹ năng cứng (năng lực kỹ thuật), am hiểu các kỹ năng mềm (năng lực tương tác xã hội) và biết vận dụng các kỹ năng sống (năng lực thực hành) trong cuộc sống của mình.
Nói cách khác, các giá trị sống như một cái cây, được ươm mầm trên một miếng đất tốt được cầy xới qua các kỹ năng cứng, được vun bón bằng các kỹ năng mềm và việc phát triển thành một thân cây xanh tốt là kỹ năng sống. Từ đó các hoa trái là các giá trị sống được hình thành và viên mãn.
1. Kỹ năng sống là gì?
Trên thế giới đã tồn tại nhiều định nghĩa và quan niệm khác nhau về kỹ năng sống. Mỗi định nghĩa được thể hiện dưới những cách thức khác nhau. Thông thường, kỹ năng sống được hiểu là những kỹ năng thực hành mà con người cần phải biết vận dụng để có được sự an toàn, cuộc sống tốt đẹp về tinh thần và khỏe mạnh về vật chất với chất lượng cao.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà mỗi cá nhân có thể học hỏi được để tương tác với những người khác một cách hiệu quả và có được các giải pháp tích cực hoặc biết cách ứng phó với những vấn đề hay những thách thức của cuộc sống hàng ngày.
Theo UNICEFF, kỹ năng sống là tập hợp rất nhiều kỹ năng về tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân giúp cho con người đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp một cách có hiệu quả, phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân nhằm giúp họ có một cuộc sống lành mạnh và tích cực . Từ các kỹ năng đó sẽ thể hiện thành những hành động cá nhân và những hành động đó sẽ tác động đến hành động của những người khác cũng như dẫn đến những hành động nhằm thay đổi môi trường xung quanh, giúp nó trở nên lành mạnh.
Như vậy, kỹ năng sống hướng vào việc giúp con người thay đổi nhận thức, thái độ và giá trị trong những hành động theo xu hướng tích cực và mang tính chất xây dựng.
Ở mỗi nước, khái niệm Kỹ năng sống được hiểu một cách khác nhau. Ở một số nước, đào tạo kỹ năng sống chính là để giáo dục cách vệ sinh, dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật. Ở những nước khác, kỹ năng sống đào tạo tập trung vào giáo dục hành vi, an toàn trên đường phố, bảo vệ môi trường hoặc giáo dục ý thức hòa bình.
Kỹ năng sống mang cả tính cá nhân và xã hội. Tính cá nhân bởi vì đó là khả năng của mỗi cá nhân. Tính xã hội là vì trong mỗi giai đoạn của sự phát triển xã hội, mỗi tôn giáo, cá nhân được yêu cầu để có sự phù hợp với những kỹ năng sống ấy. Ví dụ: Kỹ năng sống cần đến ở những nơi khó khăn khác với ở những đô thị phát triển, kỹ năng sống của những người sống ở những vùng núi khác với những người sống ở vùng biển,…
Kỹ năng sống là lý thuyết hay thực hành?
Thực tế trong cuộc sống cho thấy không chỉ có kỹ năng hay tài năng là đã có thể đem lại sự thành công cho chúng ta, mà nó còn phụ thuộc vào những yếu tố về cảm xúc, về nhận thức và về cách mà chúng ta ứng xử với những người chung quanh. Đó mới là những kỹ năng cần thiết mà ai cũng phài biết trang bị cho mình trong cuộc sống, trong các hoạt động thường ngày. Vì thế khi nói đến giáo dục kỹ năng, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra là :
Giáo dục là liên quan đến các bài học, các câu chữ đề cập đến các khái niệm , nguyên lý … như vậy giáo dục kỹ năng sống cũng giống như các phương pháp giáo dục khác, là phải có những cơ sở lý luận để căn cứ vào đó mà người giáo viên sẽ truyền tải những kiến thức đến các học viên.
Chúng ta đã biết, học thì phải đi đôi với hành, hay muốn học thì phải hỏi. Đó chính là nguyên tắc học tập chủ động mà người giáo viên phải biết áp dụng để các học viên không chỉ biết, không chỉ hiểu mà còn phải làm được. Như thế, rõ ràng kỹ năng sống không chỉ và không thể chỉ có những đề cương, giáo trình, bài học hay các bài tập mà các em có thể ngồi một chỗ, vận dụng sự hiểu biết của mình để làm bài trên giấy, như các môn học khác.
Vì thế, nếu xem kỹ năng sống như một môn học, thì đó là một môn học phải được thực hành, nó tương tự như các môn nghệ thuật như vẽ, múa, hát… không thể chỉ học các khái niệm về bố cục, ánh sáng, phối cảnh hay ký xướng âm mà có thể trở thành một họa viên hay học viên âm nhạc.. mà phải thực hành thường xuyên. Chính những kỹ năng được thực hành thường xuyên để có thể áp dụng một cách thành thục mới có thể gọi là kỹ năng sống.
Ví dụ : Một em bé nhờ học các kỹ năng thoát hiểm, đã tự cứu mình thoát khỏi một đám cháy bằng các điều đã được thực hành nhiều lần, chứ không phải là các bài học in trên trang giấy về các phương pháp thoát hiểm.
Kỹ năng sống với trẻ em.
Trước đây, khi các khái niệm về kỹ năng sống mới được phổ biến ở xã hội chúng ta, người ta cho rằng chỉ có các em HS trung học mới có khả năng tư duy để nhận biết các khái niệm về kỹ năng sống. Nói cách khác, người ta cho rằng chỉ có các em thanh thiếu niên mới có thể và mới cần dạy kỹ năng sống.
Nhưng dần dẩn, khi KNS được phổ biến một cách rộng rãi hơn thì người ta thấy rằng không chỉ là các em HS THCS mới có thể tiếp nhận các yếu tố để hình thành các kỹ năng sống cho bản thân,cũng như các khái niệm về KNS được phổ biến và hiểu biết rộng hơn, thì các đơn vị giáo dục đã đưa ra các chương trình giáo dục KNS cho HS tiểu học và cả các em Mẩu giáo.
Đến nay, thì việc giáo dục KNS cho trẻ em, đặc biệt là các em HS tiểu học lại là một yêu cầu bức thiết vì các nhà giáo dục cũng như phụ huynh đã nhận ra ý nghĩa, giá trị của việc giáo dục sớm, xây dựng các nền tảng về năng lực cho các em từ khi bước vào lớp Một là điều rất quan trọng, vì chính nhờ đó mà các em sẽ trở nên mạnh dạn, tự tin và phát huy được khả năng thích nghi với môi trường giáo dục mà các em mới bước vào.
Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta có thể đem các lý thuyết về kỹ năng sống, đưa các khái niệm trừu tượng về những giá trị đạo đức, đưa những phương pháp làm việc nhóm từ các em HS Trung học vào áp dụng cho các em tiểu học. Như người ta thường nói, tre em không phải là người lớn thu nhỏ, thì ở đây khả năng tiếp thu và vận dụng của các em 8,9 tuổi hoàn toàn khác với khả năng nhận thức và tiếp thu của các em 13, 14 tuổi. Chính vì thế, khi muốn giáo dục KNS cho các em tiểu học, thì các nhà giáo dục, các chuyên gia về KNS đã phải vận dụng các nguyên lý từ tâm lý lứa tuổi, từ khả năng tư duy nhận thức của trẻ, để xây dựng những bài học, những phương pháp hướng dẫn về KNS cho trẻ em HS tiểu học. Mà một trong những phương pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất và đơn giản nhất để giáo dục KNS cho các em Tiều học đó là học qua các trò chơi.
2. Thế nào là Kỹ năng mềm – Kỹ năng cứng?
Kỹ năng mềm là một thuật ngữ xã hội học chỉ những kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử áp dụng vào việc giao tiếp giữa người với người. kỹ năng mềm là những kỹ năng có liên quan đến việc hòa mình vào, sống với hay tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể hoặc tổ chức. Kỹ năng mềm được xem là các kỹ năng giúp con người biết giao tiếp một cách hiệu quả, biết làm việc với người khác, quản lý thời gian, biết vượt qua những thử thách khó khăn, …
Như vậy, kỹ năng mềm cũng được hiểu là những kỹ năng sống cần thiết để giúp một con người phát triển, hòa nhập với xã hội. Chính vì thể có nhiều người xem Kỹ năng mềm và kỹ năng sống là một. Điều này tuy không sai, nhưng không chính xác, bởi vì kỹ năng sống không chỉ là những kỹ năng mềm mà nó còn bao gồm cả những kỹ năng gọi là kỹ năng cứng.
Kỹ năng cứng là các khả năng về chuyên môn để đánh giá trình độ học tập, trình độ kỹ thuật mà một em HS, một người thợ được đào tạo qua những khóa học và được xác nhận bằng các bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn.
Ví dụ : Đối với một em hs tiểu học thì khả năng viết được một bài viết đúng chính tả, giải được một bài toán đố, học thuộc một bài học lịch sử một cách nhanh chóng… đó là những kỹ năng cứng, nhưng nếu các em biết vận dụng các kiến thức đó để biết phát biểu một cách lưu loát, đi mua sắm không sợ tính lầm, biết hãnh diện về các võ công của tiền nhân qua các bài học lịch sử, và có sự hiểu biết về cách cư xử với bạn bè thì đó là em đã có được các kỹ năng mềm.
Cuối cùng, nhờ có các kiến thức, hiểu biết đó em trở nên một học sinh giỏi, nhờ các kỹ năng mềm em có được sự thông cảm với bạn bè, đồng cảm với những người nghèo và mạnh dạn tự tin hơn, biết cách suy nghĩ để vượt qua những trở ngại, biết lượng sức mình để không làm những điều quá sức, biết tự trong để không trở nên ích kỷ hay gian dối thì đó là em đã biết vận dụng các kỹ năng sống giúp cho nhân cách của em ngày càng hoàn thiện.
Nói cách khác , Kỹ năng mềm chủ yếu là những kỹ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng đặc biệt, chúng góp phần quyết định khả năng cho một đứa trẻ có thể trở thành nhà lãnh đạo, nhà thương thuyết hay người hòa giải xung đột. Những kỹ năng “cứng” ở nghĩa trái ngược thường xuất hiện trên bản lý lịch để mô tả khả năng học vấn của trẻ, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn. Điều đó thể hiện một cách cụ thể qua các chứng chỉ, giấy chứng nhận hay bằng cấp.
3. Thế nào là Giá trị sống
Giá trị cuộc sống (hay giá trị sống) được coi là những điều chúng ta cho là quý giá, là quan trọng, là có ý nghĩa đối với cuộc sống của mỗi người. Giá trị sống trở thành động lực để người ta nỗ lực phấn đấu để có được nó.
Mỗi người là một cá thể riêng biệt vì thế giá trị sống cũng mang tính cá nhân, không phải giá trị sống của mọi người đều giống nhau. Tuy nhiên, theo các tổ chức giáo dục về giá trị sống quốc tế và Việt Nam thì có 12 giá trị sống dưới dây có tính chất phổ quát trên toàn thế giới.
Hòa bình – Tôn trọng – Yêu thương – Khoan dung – Trung thực – Khiêm tốn – Hợp tác – Hạnh phúc – Trách nhiệm – Giản dị – Tự do – Đoàn kết.
4. So sánh giữa Kỹ năng mềm – kỹ năng cứng – kỹ năng sống và giá trị sống
Như vậy, các giá trị sống chính là các yếu tố được hình thành từ những đứa trẻ có được khả năng học tập các kỹ năng cứng ( năng lực kỹ thuật ), am hiểu các kỹ năng mềm ( năng lực tương tác xã hội ) và biết vận dụng các kỹ năng sống ( năng lực thực hành) trong cuộc sống của mình. Nói cách khác, các giá trị sống như một cái cây, được ươm mầm trên một miếng đất tốt được cầy xới qua các kỹ năng cứng, được vun bón bằng các kỹ năng mềm và việc phát triển thành một thân cây xanh tốt là kỹ năng sống. từ đó các hoa trái là các giá trị sống được hình thành và viên mãn.
Phân loại Kỹ năng sống:
KNS gồm có 3 nhóm :
Kỹ năng nhận thức bao gồm: Tư duy phê phán, tư duy phân tích, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề, nhận thức hậu quả, ra quyết định, tự nhận thức, đặt mục tiêu, xác định giá trị…
Kỹ năng về xúc cảm bao gồm : ý thức trách nhiệm, cam kết, kiềm chế căng thẳng, kiểm soát được cảm xúc, tự quản lí, tự giám sát và tự điều chỉnh,…
Kỹ năng xã hội hay kỹ năng tương tác bao gồm : giao tiếp; tính quyết đoán; th¬ương thuyết, từ chối, hợp tác; sự cảm thông, chia sẻ; khả năng nhận thấy sự thiện cảm của người khác…
Cách phân loại của UNESCO
Theo cách phân loại của UNESCO thì 3 nhóm trên được coi là những KNS chung, ngoài ra còn có những KNS còn thể hiện trong những vấn đề cụ thể khác nhau trong đời sống xã hội như:
Vệ sinh, vệ sinh thực phẩm, sức khoẻ, dinh dưỡng – Các vấn đề về giới, giới tính, sức khoẻ sinh sản – Ngăn ngừa và chăm sóc người bệnh HIV/AIDS – Phòng tránh rượu, thuốc lá và ma tuý – Ngăn ngừa thiên tai, bạo lực và rủi ro – Hoà bình và giải quyết xung đột – Gia đình và cộng đồng – GD công dân – Bảo vệ thiên nhiên và môi trường – Phòng tránh buôn bán trẻ em và phụ nữ, …
Cách phân loại của tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (viết tắt là UNICEF)
Với mục đích là giúp cho người học có những kỹ năng ứng phó với các vấn đề của cuộc sống và tự hoàn thiện mình, UNICEF đưa ra cách phân loại KNS theo các mối quan hệ như sau:
Kỹ năng nhận biết và sống với chính mình, gồm có:
Kĩ năng tự nhận thức. Lòng tự trọng. Sự kiên định. Đương đầu với cảm xúc
Kỹ năng nhận biết và sống với người khác
Kỹ năng quan hệ/ tương tác liên nhân cách. Sự cảm thông. Đứng vững trước áp lực tiêu cực của bạn bè hoặc của người khác. Kỹ năng Thương lượng. Giao tiếp có hiệu quả
Kĩ năng ra quyết định một cách hiệu quả:
Tư duy phê phán. Tư duy sáng tạo. Ra quyết định. Giải quyết vấn đề
Mối quan hệ giữa các kỹ năng sống
Trên thực tế các kỹ năng sống thường không hoàn toàn tách rời nhau. Các kỹ năng này liên hệ mật thiết với nhau, đan xen và bổ sung cho nhau, nhờ đó thanh thiếu niên có thể ứng phó linh hoạt và hiệu quả đối với những nguy cơ và vấn đề khó khăn trong tình huống cuộc sống hàng ngày. Ví dụ:
Khi cần quyết định vấn đề một cách hiệu quả thì những kỹ năng sau đây thường được vận dụng Kỹ năng tự nhận thức, Kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng tư duy sáng tạo, Kỹ năng xác định giá trị, Kỹ năng kiên định
Để có thể giao tiếp một cách có hiệu quả cần phối hợp những kỹ năng sau:
Kỹ năng tự nhận thức, Kỹ năng thương lượng, Kỹ năng tư duy phê phán, Kỹ năng lắng nghe tích cực, Kỹ năng chia sẻ/ cảm thông, Kỹ năng kiềm chế
Để đặt được mục tiêu cần phối hợp các kĩ năng sau:
Kỹ năng tự nhận thức, Kỹ năng tư duy phê phán, Kỹ năng kiên định, Kỹ năng giao tiếp, – Kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ …
Những kỹ năng sống trên đây thường không được dạy một cách riêng biệt mà phải được thực hiện như một phần không thể tách rời của các chương trình GD đa dạng gắn với các bối cảnh cụ thể.
5. NHỮNG BIỆN PHÁP TRIỂN KHAI KỸ NĂNG SỐNG TRONG TRƯỜNG THCS
Do việc tiếp thu các khái niệm về kỹ năng sống khác nhau, sự hiểu biết về kỹ năng sống cũng đa dạng, và sự áp dụng các biện pháp giáo dục về KNS lại phụ thuộc vào nhiều mục đích khác nhau trong nhiểu lĩnh vực. Vì thế, việc triển khai các hoạt động giáo dục KNS cũng được vận dụng một cách đa dạng.
Giáo dục Kỹ năng sống như một hoạt động ngoại khóa :
Đây là hình thức giáo dục KNS phổ biến nhất hiện này, hình thức này thể hiện dưới các hoạt động như :
– Tổ chức các khóa huấn luyện về kỹ năng sống, như chương trình Tôi tài giỏi, chương trình Học kỳ Quân đội và các khóa học theo chuyên đề tại các trung tâm giáo dục kỹ năng sống.
– Tổ chức các khóa học theo từng chủ điểm cho một khối lớp trong một trường. Có thể đó là những chủ điểm độc lập, chỉ được thực hiện vài ba lần trong một năm học. Cũng có thể đó là những chủ điểm được thực hiện hàng tháng.
– Tổ chức các khóa học theo các chuyên đề có tính hệ thống, cho từng cấp lớp, mỗi cấp lớp là một chương trình giáo dục KNS khác nhau.
Các hình thức này tùy thuộc một phần vào nội dung giảng dạy, và tùy thuộc vào năng lực người GV Kỹ năng sống, bằng khả năng truyền tải của mình để đem lại sức sống cho bài giảng.
Giáo dục kỹ năng sống theo phương pháp tích hợp
Đây là cách giáo dục KNS mà không gọi là KNS, vì nó được tích hợp vào các môn học và được các giáo viên vận dụng như một kỹ thuật giảng dạy và thực hành. Người giáo viên sẽ áp dụng những biện pháp giáo dục như : Giáo dục chủ động, lấy học sinh làm trọng tâm, tổ chức các hoạt động thực hành thông qua nội dung của các môn học, để các em HS có nhiều hứng thú học tập hơn, am hiểu nhiều mặt về các kiến thức do bài học đem lại, và điều quan trọng là biết vận dụng những kỹ thuật thực hành của các bộ môn đó vào cuộc sống hằng ngày.
Trên lý thuyết, đây là nguyên tắc giáo dục mà nhà trường và các giáo viên đã phải áp dụng từ lâu rồi, và nếu nguyên tắc này được áp dụng một cách hiệu quả thì sẽ không có những trung tâm dạy kỹ năng sống cho các em HS như một hoạt động giáo dục ngoại khóa.
Trên thực tế cho thấy, hầu như rất ít nhà trường và giáo viên có đủ điều kiện cơ sở vật chất và các phương tiện thực hành để có thể tích hợp các nguyên lý của giáo dục kNS vào trong các bộ môn, mà chỉ có thể áp dụng một số kỹ thuật của giáo dục KNS vào trong các tiết học, như khuyến khích các em học theo nhóm, biết cách phát biểu, biết cách cùng nhau làm việc… hay tổ chức các buổi học một cách sinh động hơn, học sinh có hứng thú học tập hơn…