Có rất nhiều các phụ huynh sau khi biết con mắc hội chứng tự kỷ thường có những trạng thái tâm lý không ổn định. Họ lo lắng và không biết nên bắt đầu cho con từ đâu. Có rất nhiều người nói rằng: “Em vừa mới biết con bị tự kỷ, em hoang mang lắm, giờ em phải làm sao, cô/chị giúp em với…” Trên thực tế đối với một số gia đình có điều kiện kinh tế khá giả họ có thể tìm tới các chuyên gia, các Trung tâm để can thiệp cho con nhưng còn đối với những gia đình kinh tế khó khăn hơn họ không có điều kiện cho con đi học được thì phải làm gì?
Cách duy nhất họ có thể làm là tự can thiệp cho con. Vậy bằng cách nào để làm được điều đó. Trong bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách để tự học và can thiệp cho con một cách hiệu quả.
Tự học qua tài liệu như thế nào?
Nếu khi bạn không đủ điều kiện tham gia các khóa học, bạn cần thiết phải tìm đọc tài liệu để học. Ngay cả khi bạn có đủ điều kiện và tài chính để đi học mọi khóa bạn muốn, thì bạn vẫn cần đọc tài liệu. Và để đọc được tài liệu bạn cần phải có kỹ năng đọc và học hỏi qua tài liệu.
Những điều cần biết khi đọc và tìm kiếm tài liệu
Không có cuốn sách nào là toàn năng cả. Mỗi tài liệu chỉ nhìn vấn đề ở một vài góc độ. Một chuyên gia chỉ chuyên sâu về một phương pháp. Vì vậy bạn phải luôn luôn sẵn sàng đọc và tiếp tục đọc các tài liệu. Mỗi khi tìm đọc được một cuốn sách mới, bạn nên hiểu đó là một góc độ mới, một phương pháp mới mà bạn có cơ hội tìm hiểu. Tự kỷ có rất nhiều vấn đề và mỗi hướng tiếp cận có thể giải quyết được một vấn đề.
Chọn lựa và suy xét
Các phương pháp can thiệp khác nhau có thể xung đột với nhau. Các chuyên gia có thể mâu thuẫn với nhau và mỗi người giải thích vấn đề theo một cách. Đó là một thực tế. Bạn đừng lo lắng, đừng vội tìm cách kết luận xem ai đúng ai sai. Bạn cứ tìm hiểu cả hai và lắng nghe, phân tích lập luận của cả hai. Cuối cùng chính bạn mới là người thực hành. Trải nghiệm thực tế sẽ cho bạn biết điều gì phù hợp nhất với con bạn. Cũng có thể mỗi giai đoạn con bạn cần một hướng tiếp cận khác nhau.
Cha mẹ làm gì?
Tự kỷ cho đến bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp sáng tỏ của khoa học. Vì vậy bạn nên cởi mở với các trường phái. Cố gắng tránh đừng bị định kiến vì những nhận xét cực đoan. Điều quan trọng là bạn cần phải nhìn vào lập luận và các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, bạn cũng không nên vội tung hô một biện pháp nào khi mới chỉ có vài biểu hiện tích cực ở trẻ được can thiệp bằng biện pháp đó.
Ai là người quyết định
Lúc mới bắt đầu học, bạn sẽ thấy rối tung, mệt mỏi và hoang mang. Bạn dễ bỏ cuộc hay tìm một người nào đó để tư vấn, chỉ dẫn cho bạn. Nhưng bạn đừng quên người đó không thể hiểu con bạn bằng chính bạn. Nếu họ là phụ huynh thì họ cũng chỉ hiểu mỗi con họ mà thôi. Bạn mới là người quyết định.
Điều quan trọng bạn cần lưu ý
Bạn nên vượt qua sự bối rối ban đầu để kiên trì học hỏi và đọc tiếp. Càng đọc nhiều bạn càng hiểu rộng, bạn so sánh được các phương pháp và các quan điểm khác nhau, biết rút ra cái gì cần nhất cho bạn và cho con bạn. Bạn sẽ không dễ rơi vào những cái bẫy rồi sau đó lại ân hận vì đã mất thời gian và công sức mà khôn đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Khi đọc tài liệu cần thiết tra nguồn tài liệu
Khi biết rõ nguồn (tác giả, trung tâm phát hành, người dịch, người giới thiệu), bạn nên kiểm tra lại thông tin về người đó hay về trung tâm đó. Những tác giả có uy tín, những trung tâm, cơ sở có thương hiệu là những nơi làm khoa học nghiêm túc, bài bản, chất lượng thông tin sẽ được bảo đảm, ít xảy ra trường hợp những thông tin chưa kiểm chứng.
Kiểm tra nguồn giúp bạn có cơ sở để đi tìm những cuốn sách khác của cùng tác giả và sắp xếp những tài liệu cùng tác giả, cùng cơ sở nghiên cứu, cùng trường phái can thiệp thành các bộ tài liệu, từ đó việc nghiên cứu tìm hiểu sẽ dễ dàng hơn.
Khi bạn lưu hoặc chia sẻ tài liệu, bạn cũng cần giữ lại nguồn
Đó là cách làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm với cộng đồng. Đó cũng là sự tôn trọng với các nhà chuyên môn. Không nên thông cảm và khuyến khích cách làm việc tùy tiện. Chỉ thơ ca, hò vè dân gian mới phải ghi “sưu tầm” vì không thể tìm ra tác giả, còn tài liệu khoa học hiện nay không hề khó kiểm tra nguồn, nhất là khi biết dùng internet.
Tự can thiệp như thế nào?
Không có một cuốn sách giáo khoa tổng thể nào cho tất cả. Vậy để tự can thiệp cho con các ông bố và bà mẹ nên làm gì. Dưới đây là đây là danh sách những gì bạn cần làm một cách tổng thể, toàn diện (lưu ý là những can thiệp này nhiều khi hòa trộng lồng ghép vào nhau trong cùng một bài học)
- Can thiệp hành vi
- Can thiệp giao tiếp – ngôn ngữ
- Can thiệp vận động, điều chỉnh rối loạn giác quan
- Can thiệp y sinh (nếu có những vấn đề về sức khỏe và/hoặc nếu thấy tin tưởng một trị liệu y học nào đó)
Để làm được các can thiệp trên bố mẹ cần thực hiện hoạt động sau:
- Chơi cùng con
- Làm cùng con, dạy con các kỹ năng tự phục vụ bản thân và làm việc nhà
- Học cùng con: từ mẫu giáo đến học nghề
- Đưa con vào môi trường hòa nhập: nhóm bạn tại nhà, các điểm công cộng, trường học, chỗ làm việc, hoạt động cộng đồng…
Để thực hiện can thiệp cho con, trước hết bạn cần ổn định tinh thần. Không sợ hãi, không trông chờ vào người khác. Ngưng đi hỏi lung tung khắp nơi xem ở đâu có chỗ can thiệp tốt không, bác sĩ tốt không, giáo viên tốt không. Và rồi đưa con đến trăm sự nhờ họ mà bản thân mình chả hiểu gì. Cha mẹ hãy bình tĩnh bắt đầu theo những bước sau:
Bước 1: Tìm hiểu và nhập cuộc
Hiều về tự kỷ
Tự kỷ là khuyết tật chưa có biện pháp nào chữa khỏi, nhưng có thể can thiệp để có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Can thiệp là một qua trình lâu dài, nên gia đình phải tham gia chứ không có nơi nào hoàn hảo để gửi gắm.
Chuẩn đoán và đánh giá
Bạn đưa con đến gặp chuyên gia để làm chẩn đoán và đánh giá kỹ càng. Nên tìm đến chuyên gia có bằng cấp đào tạo rõ ràng về rối loạn phát triển, tự kỷ hoặc giáo dục đặc biệt. Chuyên gia phải làm việc riêng với con bạn ít nhất một vài giờ, và bạn được tham gia vào quá trình đó. Bạn được hỏi đáp các vấn đề của con và nhận một bản đánh giá về con, cùng với hướng can thiệp hoặc kế hoạch can thiệp. Bạn có thể gặp một vài chuyên gia và so sánh kết quả. Việc này có làm bạn tốn một khoản tiền nhưng đó là cần thiết. Mỗi chuyên gia chỉ giỏi về chuyên sâu một hoặc vài lĩnh vực thôi.
Sắp xếp lại cuộc sống và công việc của bản thân
Mỗi ngày bạn phải dành ra ít nhất vài giờ để chơi, học, làm việc nhà cùng con. Có thể phân công cho các thành viên gia đình hoạc thuê thêm giao viên, người giúp việc.
Tìm kiếm các khóa học dành cho phụ huynh và đọc tài liệu
Tài liệu cha mẹ có thể tìm hiểu các nguồn tài liệu tin cậy như hướng dẫn ở trên. Còn các khóa học thì khó có thể hệ thống được, bạn tìm được khóa học nào thì học khóa học đấy thôi, nhớ lưu ý khóa học do người có bằng cấp hoặc nơi có uy tín mở. Học đủ nhiều sẽ tự biết sắp xếp kiến thức lại.
Bắt đầu chơi và làm việc cùng con
Nếu chưa có kinh nghiệm lắm thì cứ chơi như chơi với trẻ thường, miễn sao con vui là được. Sau đó học những kỹ năng từ tài liệu hoặc từ chuyên gia thì bắt đầu áp dụng dần.
Bước 2: Thực hiện can thiệp chuyên sâu và bài bản hơn
+ Hiểu rõ về mặt mạnh mặt yếu của con mình và hướng can thiệp tốt nhất cho con
+ Học và đọc để hiểu sâu dàn về các phương pháp, các trường phái khác nhau trong việc trị liệu tự kỷ. Suy nghĩ và lực chọn phương pháp can thiệp phù hợp trong từng giai đoạn. Quyết định chi tiền hay thuê chuyên gia cho phương pháp nào mình tin tưởng và thấy phù hợp.
+ Lập kế hoạch can thiệp, theo ngày, tuần, tháng. Trong kế hoạch phải có các mục tiêu cần đạt được và các bước để đạt được mục tiêu đó.
+ Tham gia các diễn đàn để trao đổi, thảo luận cũng như chọn lọc thông tin.
Bước 3: Liên kết cộng đồng
Tham gia các nhóm cha mẹ để cùng tổ chức chung hoạt động cho con như lớp kỹ năng, chương trình vui chơi, học tập, học nghề,… Tổ chức các hoạt động cho tìm hiểu các nghiên cứu mới, các mô hình hỗ trợ cho người tự kỷ.
Tìm hiểu và tham gia vận động nhận thức cộng đồng và vận động chính sách xã hội. Một xã hội có nhận thức đúng và nhân văn thì cuộc sống của người tự kỷ sẽ an toàn và hạnh phúc hơn.
Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý và nghiên cứu chuyên sâu. Chúng tôi tự hào là Trung tâm tư vấn và trị liệu đứng đầu về uy tín, chất lượng tại Hà Nội. Khi con bạn gặp bất cứ khó khăn nào về tâm lý, vui lòng liên hệ:
Công ty CP Phát triển Giáo dục Tâm lý Á Châu
Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng Khoa học tâm lý-giáo dục Á Châu
Số 12B-TT10, ngõ 24 đường Nguyễn Khuyến – Văn Quán – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0912 986 793
Website:tamlyachau.vn Mail: tamlyachau@gmail.com