Hành vi của trẻ tự kỷ là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh, chúng ta thường lo lắng và không biết cách xử lý hành vi đó của con như thế nào. Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển bao gồm những khiếm khuyết trong tương tác xã hội, kỹ năng giao tiếp, sự phát triển về ngôn ngữ và có hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại. Các hành vi luôn thay đổi và xuất hiện thất thường khiến quá trình chăm sóc cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Một số hành vi của trẻ tự kỷ: hay la hét, mất ngủ, mất tập trung, đi nhón chân, quay vòng, làm đau bản thân, mất giác quan,…
Dưới đây là sự phân tích những nguyên nhân một số hành vi của trẻ tự kỷ cũng như các giải pháp giúp cho cha mẹ xử lý và kiểm soát những hành vi bất thường của con mình.
I. Nguyên nhân một số hành vi của trẻ tự kỷ
1. Hành vi hay la hét ở trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ thường độc lập, sống trong thế giới riêng của mình. Trẻ la hét chính là trẻ không chịu được những tác động từ môi trường bên ngoài. Lý giải hành vi này có thể do môi trường ồn ào, có người làm phiền trẻ khiến trẻ không thoải mái, hay có sự phản kháng khi không hài lòng về điều gì đó.
Trẻ tự kỷ có khó khăn rõ rệt về nhận thức và ngôn ngữ, trẻ thiếu kỹ năng thương lượng giao tiếp để đạt hiệu quả. Vì thế, trẻ bộc lộ phản ứng ra bên ngoài bằng những âm thanh, thay vì ngôn ngữ thì đó là các âm thanh la hét với các cường độ khác nhau.
Trẻ thường gây chú ý của người khác bằng cách la hét, ăn vạ,…Điều này có cả ở trẻ bình thường và trẻ tự kỷ.
2. Vì sao trẻ tự kỷ có chứng mất ngủ?
Nhịp sinh học (chu kỳ thức/ chu kỳ tự nhiên) rối loạn. Giống như chu kỳ ngày và đêm, cơ thể của trẻ tự kỷ cũng tuân theo nhịp sinh học được quản lý bởi đồng hồ sinh học. Khi trời tối trẻ tự kỷ cần đi ngủ để cơ thể nghỉ ngơi. Khi trời sáng bắt đầu ngày mới với hoạt động thường ngày.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ thể trẻ tự kỷ không giải phóng melatonin ( hormone giúp điều chỉnh chu kỳ nghỉ/ thức) đúng thời điểm cần thiết trong ngày. Thay vào đó, nồng độ hormone này tăng cao vào ban ngày và thấp vào ban đêm gây ra tình trạng mất ngủ.
Trẻ tự kỷ nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh. Chỉ cần một tiếng động hay ánh sáng hắt qua làm trẻ thức giấc đột ngột và khó ngủ lại.
3. Hành vi mất tập trung của trẻ tự kỷ
Không tập trung vào giờ học là do không ngủ đủ giấc khiến trẻ cảm thấy uể oải, chán nản trong giờ học .
Đồng thời, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu chất. Vì vậy, cha mẹ nên bổ sung cho con những thực phẩm tươi như rau xanh, trứng, sữa,… Đặc biệt là bổ sung thực phẩm chứa sắt vì thiếu sắt khiến trẻ mệt mỏi về thể chất, giảm chú ý, làm mất tập trung và gây ra những vấn đề về trí nhớ.
Ngoài ra, phương pháp giáo dục con sai lầm khi thường xuyên cho con sử dụng thiết bị công nghệ mà không giới hạn thời gian dùng. Ánh sáng xanh phát ra từ tivi, máy tính…có thể phá vỡ nhịp sinh học, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đồng thời làm giảm khả năng phát triển của não bộ, khiến trẻ tiếp nhận thông tin thụ động và dễ bị xao nhãng.
Gần đây nhất có một số tác giả cũng đặt ra giả thiết nghiên cứu về nguyên nhân do gen di truyền nhưng hiện tại chưa có kết luận chính thức nào.
4. Nhón chân – hành vi tự kỷ điển hình
Chứng đi nhón chân ở trẻ là hiện tượng trẻ “đi bằng đầu ngón chân” khi di chuyển. Để tạo thế thăng bằng cho dáng đi này trẻ sẽ giữ tay vào các đồ vật.
Trẻ nhỏ mới biết đi ban đầu cũng hay đi bằng ngón chân. Tuy nhiên, đến tầm 18 – 22 tháng, hầu hết trẻ sẽ đi bằng gót chân. Nếu trong khoảng tuổi này trẻ vẫn đi nhón chân, cha mẹ nên chú ý. Vì chứng đi này cũng liên quan đến hội chứng tự kỷ. Nó thể hiện một phức hợp các rối loạn ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác của trẻ với những người khác.
Nguyên nhân của hành vi này có thể do trẻ có rối loạn xử lý giác quan. Vì làm như vậy sẽ tăng cảm nhận đầu vào cho trẻ. Ngoài ra có thể trẻ nhạy cảm với tiếp xúc ngoài da. Có thể khi đi trên nhón chân để hạn chế kích thích xúc giác tới chân.
Trẻ khác có thể căng cứng người đến mức chúng luôn duỗi căng người, nhún nhẩy trên mu bàn chân và đệm ngón chân. Có bằng chứng cho thấy trẻ đi nhón chân kinh niên thì có xác suất chậm ngôn ngữ/lời nói, vận động tinh, phối hợp nhìn và vận động, vận động thô cao hơn.
5. Trẻ tự kỷ tự làm đau bản thân
Thông thường hành vi tự làm đau bản thân ở trẻ tự kỷ xuất phát từ khủng hoảng tâm lý. Khủng hoảng tâm lý xuất hiện khi trẻ bị rơi vào những tình huống không thoải mái. Ví dụ: chuyển đổi môi trường sống, trẻ gặp người lạ hay buộc phải thay đổi một số thói quen hàng ngày.
Khi rơi vào cơn khủng hoảng, trẻ tự kỷ thường rất khó kiềm chế cảm xúc, kiểm soát hành vi, và tự gây nguy hiểm cho chính mình. Cha mẹ cần lưu ý vì khủng hoảng tâm lý có thể xảy ra mọi lúc ở trẻ tự kỷ. Nguyên nhân của hành vi này là do trẻ thường nhạy cảm với các yếu tố xung quanh. Điều này xuất phát từ việc rối loạn cảm giác của trẻ tự kỷ. Trẻ sẽ thường quen với những gì đã quen thuộc hàng ngày. Do đó khi có sự thay đổi đột ngột, trẻ sẽ cảm thấy “không an toàn” và rất dễ bị khủng hoảng tâm lý.
Khi trẻ bộc phát hành vi gây hấn hoặc tự gây thương tổn cho bản thân, điều quan trọng hàng đầu luôn là giữ an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó cha mẹ hãy thể hiện thái độ không đồng tình một cách quyết liệt và rõ ràng. Điều này khiến trẻ thấy rằng hành vi đó không nên tiếp tục.
II. Cha mẹ cần làm gì với những hành vi ở trẻ tự kỷ như trên?
1. Đối với trẻ tự kỷ hay la hét
Đầu tiên, cha mẹ cố gắng an ủi, xoa dịu những cơn giận dữ của trẻ. Có thể phớt lờ, không quan tâm nếu biết đó là hành vi ăn vạ để gây sự chú ý. Hoặc cách khác nữa là làm theo hành vi đó của trẻ để trẻ thấy được hành vi đó là vô lý và dừng lại.
Vỗ về xoa dịu nếu trẻ cảm thấy bất an thực sự. Thường xuyên khen ngợi và ghi nhận trẻ bằng nhiều cách: Khen ngợi bằng lời, thưởng đồ trẻ thích, ôm trẻ… tùy theo sở thích của mỗi trẻ.
2. Đối với trẻ mất ngủ
Cha mẹ nên lập thời gian biểu cho các hoạt động trong ngày ăn cơm, tắm, chơi, ngủ,.. để trẻ làm quen, đảm bảo giấc ngủ đúng thời điểm. Tạo không gian dễ chịu, thoải mái cho trẻ khi ngủ. Thư giãn cho trẻ trước khi ngủ: đọc truyện, massage,.. Bổ sung vitamin và các yếu tố vi lượng cần thiết: taurin, coenzyme Q10, acid folic, các vitamin nhóm B giúp trẻ dễ ngủ hơn.
3. Đối với trẻ mất tập trung:
Học cùng trẻ cũng là một trong những cách giảm tình trạng mất tập trung. Điều này sẽ khiến bé rất thích thú, hăng say và chú ý học hơn. Một không gian yên tĩnh, thoải mái sẽ giúp bé hoàn toàn sử dụng được sự tập trung của não bộ giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất.
Ngoài ra, cha mẹ có thể cho bé chơi những trò chơi giúp trẻ tăng tập trung như: tưởng tượng một hình khối, nhìn hình đố vật, mê cung… Bên cạnh đó cha mẹ có thể cho bé nghe nhạc giúp thư thái. Những bản nhạc nhẹ nhàng, không lời… để bé cảm thấy hứng thú, tập trung học hơn.
Chú trọng việc giao tiếp mắt – mắt, bạn có thể cúi xuống hoặc đặt bé lên cao để cha mẹ nhìn thẳng được vào mắt bé, nói nhẹ nhàng và rõ ràng. Đồng thời nên sử dụng câu ngắn và dễ nhớ, cha mẹ có thể yêu cầu trể nhắc lại để xem trẻ đã thực sự hiểu điều bạn nói chưa.
4. Đối với trẻ hay đi nhón chân:
Nhẹ nhàng kéo dài các cơ ở chân và bàn chân có thể cải thiện dáng đi của trẻ. Chơi các trò chơi đá chân, để chân trẻ đi bình thường và tiếp xúc sàn nhà. Có thể sử dụng thảm massage để tăng cảm giác ở chân trẻ khi tiếp xúc với sàn nhà.
Kết luận
Trẻ tự kỷ rất cần sự quan tâm của cha mẹ, bạn bè, thầy cô và cả cộng đồng. Những khó khăn có thể đồng hành suốt đời nếu trẻ không được can thiệp, hỗ trợ sớm. Nhưng khi trẻ được can thiệp sớm & khoa học, cùng với sự kiên trì, nỗ lực giao tiếp của cha mẹ và giáo viên, chắc chắn hội chứng tự kỷ ở trẻ sẽ được cải thiện. Trẻ sẽ có cuộc sống vui tươi, khỏe mạnh hơn.
Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý và nghiên cứu chuyên sâu. Chúng tôi tự hào là Trung tâm tư vấn và trị liệu đứng đầu về uy tín, chất lượng tại Hà Nội. Bất cứ khi nào con bạn cần giúp đỡ, vui lòng liên hệ:
Công ty CP Phát triển Giáo dục Tâm lý Á Châu
Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng Khoa học tâm lý-giáo dục Á Châu
Số 12B-TT10, ngõ 24 đường Nguyễn Khuyến – Văn Quán – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0912 986 793
Website:tamlyachau.vn
Mail: tamlyachau@gmail.com