Rối loạn xử lý thông tin giác quan như thế nào?

Hầu hết chúng ta được sinh ra với năm giác quan giúp chúng ta hiểu, phản ứng và tồn tại một cách thoải mái trên thế giới: nhìn, nghe, nếm, ngửi và cảm giác. Tuy nhiên, ở một số người, bộ não hoạt động theo một cách bất thường, gây cho họ khó chịu, đau khổ và nhầm lẫn. Khi tình trạng này xảy ra, các tín hiệu cảm quan bị hệ thần kinh giải thích sai. Đó chính là sự rối loạn xử lý thông tin giác quan.

rối loạn xử lý cảm giác ở trẻ
roi-loan-xu-ly-cam-giac-o-tre

Rối loạn xử lý thông tin giác quan là gì?

Rối loạn xử lý thông tin giác quan (Sensory Processing Dirsorder), hay còn gọi tắt là rối loạn giác quan, rối loạn cảm giác là tình trạng não bộ gặp rối loạn trong việc nhận và phản hồi các thông tin đến từ các giác quan (như nghe, nhìn, ngửi, sờ…). Rối loạn này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi tình trạng từ người phát triển bình thường cho đến người tự kỷ. Nguyên nhân của rối loạn giác quan hiện vẫn chưa được tìm ra.

Có những loại rối loạn xử lý thông tin giác quan nào?

Ngoài 5 giác quan cơ bản (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác), những năm gần đây khi rối loạn xử lý thông tin giác quan được nói đến nhiều hơn thì 2 giác quan nữa được đề cập đến là cảm nhận về cơ thể (các bộ phận cơ thể của mình) và cảm nhận về thăng bằng.

Rối loạn xử lý thông tin giác quan thường có 2 loại, đó là:

– Quá nhạy:

Thông tin từ một hoặc nhiều giác quan đến khu vực xử lý tương ứng ở não bộ NHANH/NHIỀU hơn đa số những người phát triển bình thường. Lúc đó trẻ dễ bị quá tải, dẫn đến các phản ứng phòng vệ, né tránh các nguồn có thể đưa thêm các thông tin giác quan đó. Ví dụ: trẻ nhạy về xúc giác sẽ né tránh các bề mặt thô ráp.

– Quá trơ/chai lì:

Thông tin từ một hoặc nhiều giác quan đến khu vực xử lý tương ứng ở não bộ CHẬM/ÍT hơn đa số những người phát triển bình thường. Lúc đó cơ thể trẻ không cảm nhận đủ thông tin hoặc chậm cảm nhận, dẫn đến phản ứng tìm kiếm các nguồn đưa thêm thông tin (hoặc tự tạo ra nguồn đưa thêm thông tin – hành vi tự kích thích). Ví dụ: trẻ trơ/chai lì về cảm nhận thăng bằng sẽ tìm kiếm các vận động nhảy nhót, lắc đầu.

Các biểu hiện của rối loạn xử lý thông tin giác quan

Các biểu hiện rất đa dạng, tùy loại giác quan và rối loạn nhạy hoặc trơ, ví dụ:

– Xúc giác: rối loạn nhạy (khó gội đầu, cắt tóc, khó cắt móng tay móng chân, kén ăn, né tránh va chạm vào người khác…), rối loạn trơ (thích sờ, chạm, di chân tay lên một số bề mặt…)

– Thăng bằng: rối loạn nhạy (né tránh độ cao, các trò chơi cảm giác mạnh…), rối loạn trơ (thích leo trèo, nhảy, chạy đi chạy lại, lắc đầu, thích xoay tròn…)

– Cảm nhận cơ thể: chưa tự chủ vệ sinh, thích ôm ghì siết, thích không gian hẹp, dựa dẫm, ra chỗ rộng mất kiểm soát chạy như không biết nguy hiểm, trông vụng về, đi hay va chạm, thích sờ chạm nhiều để tìm cảm giác…

– Thị giác: rối loạn nhạy (phản ứng khó chịu với ánh sáng chói, thay đổi ánh sáng…), rối loạn trơ (thích bật tắt đèn, nhìn đèn nhấp nháy, vẫy tay trước mắt…)

– Thính giác: rối loạn nhạy (sợ tiếng ồn, sợ một số âm thanh nhất định…), rối loạn trơ (thích nghe âm thanh to, nhiều bất thường)

– Khứu giác: rối loạn nhạy (phản ứng khó chịu thái quá với mùi…), rối loạn trơ (thích hít ngửi, tìm kiếm những mùi mạnh…)

– Vị giác: rối loạn nhạy (chỉ ăn một số loại thức ăn nhất định, khó chịu thái quá với một số vị…), rối loạn trơ (thích những vị mạnh như mặn, cay…)

Lúc nào thì gọi là rối loạn xử lý thông tin giác quan?

Ngưỡng để xác định là khi rối loạn đó ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng hàng ngày (sinh hoạt, học tập…) của trẻ. Ví dụ: Trẻ có bàn tay nhạy cảm. Khi quá nhạy khiến cho việc cầm bút khó khăn làm trẻ không chịu viết bài, khi đó gọi là rối loạn giác quan. Khi nhạy vừa đủ, trẻ có thể có đủ sự tinh tế với các bề mặt, giúp ích cho việc trẻ theo các môn nghệ thuật như nặn tượng, khi đó sự tinh tế là một món quà, và không cần can thiệp gì nếu không ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng khác.

Trẻ có thể có nhiều hơn 1 loại rối loạn xử lý thông tin giác quan không?

Hoàn toàn có thể. Trẻ có thể nhạy về xúc giác, nhưng trơ/chai lì về cảm nhận thăng bằng. Hoặc chỉ riêng về xúc giác thì nhạy ở bàn chân, nhưng lại trơ ở bàn tay.

Tập điều hòa giác quan như thế nào?

Liệu pháp chữa trị cho trẻ thường hiệu quả nhất khi cha mẹ cùng tham gia ở nhà; tùy vào các yếu tố gây nên sự rối loạn cảm giác của con bạn, chuyên gia trị liệu có thể khuyên bạn nên sử dụng các biện pháp để giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng. Ví dụ: khuyến khích trẻ quá nhạy cảm với ánh sáng nên đeo kính râm hoặc khuyến khích trẻ nhạy cảm với mùi để mang một vật trong túi của trẻ được bão hòa theo mùi hương trẻ thích.

Với các rối loạn giác quan khác nhau thì có những bài tập hỗ trợ khác nhau. Không có một quy định trình tự nào nếu trẻ có nhiều hơn 1 loại rối loạn. Bạn có thể bắt đầu bằng bài tập trẻ dễ chấp nhận nhất, rồi tập sang các bài khác. Nguyên tắc tập bao giờ cũng là tập từ tăng dần để trẻ thích nghi và phải theo dõi chặt nếu trẻ có các dấu hiệu quá tải để ngừng lại ví dụ như thở không đều, sắc mặt thay đổi, nhợt nhạt, vã mồ hôi, tăng sự bồn chồn, mất tự chủ/kiểm soát, dễ bùng nổ…

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here