Ví dụ và cách điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Một ví dụ về rối loạn ám ảnh cưỡng chế liên quan đến câu chuyện của Boon Teng.

Boon Teng, một anh chàng thất nghiệp ở tuổi 26 có tiền sử kinh hãi sự dơ bẩn và nhiễm trùng từ đất bụi và vi khuẩn. Điều này dẫn đến hành vi tắm rửa một cách cưỡng chế. Ngày nào cũng vậy, anh có thể rửa tay đến 50 lần, mỗi lần 5 phút, và tắm 3 lần, mỗi lần tắm ít nhất một tiếng đồng hồ. Anh không cho bất cứ ai sử dụng phòng vệ sinh của mình. Và anh yêu cầu mẹ mình lau dọn nó trước mỗi lần anh bước vào. Anh tránh xa những khu vệ sinh công cộng. Anh nhất định không sử dụng các phương tiện giao thông công cộng vì sợ lây nhiễm các bệnh hoa liễu. Tất cả những điều này khiến cho không khí ở nhà vô cùng căng thẳng.

Việc này bắt đầu khi Boon Teng làm việc tại một quán ăn Trung Quốc nhỏ. Một ngày, ông chủ nhận được lời phàn nàn của khách rằng phòng vệ sinh của nhà hàng có mùi hôi. Sau đó, ông chủ quyết định phân cho Boon Teng việc quản lý vệ sinh của toàn bộ nhà hàng. Thời gian đầu, mọi nhân viên đều nói rằng anh là người vô cùng nhiệt tình với công việc, luôn kiểm tra và tự tay lau chùi những khu vực nào mà anh cho rằng “không đạt tiêu chuẩn sạch sẽ”. Tuy nhiên, họ dần trở nên khó chịu khi anh yêu cầu nhân viên phải tham gia vào việc lau chùi tất cả những dụng cụ nhà bếp trước giờ mở cửa và sau khi đóng cửa. Điều này khiến nhiều người vô cùng bất mãn, cuối cùng ông chủ đã yêu cầu Boon Teng nghỉ việc.

Ám ảnh cưỡng chế
Ám ảnh cưỡng chế

Tại phòng khám, Boon Teng vô cùng chán nản vì tình trạng của mình. Anh cảm thấy mình bị xa lánh bởi mọi người, và thậm chí còn nghĩ tới việc tự tử. Không có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Anh được kê thuốc Clomipramine, và sau một tháng, tâm trạng của anh khá lên một cách đáng kể. Những nỗi sợ hãi và các thói quen kèm theo cũng giảm ít nhiều.

Boon Teng quyết định sẽ không sử dụng thuốc dài lâu, nên một chương trình điều trị hành vi được áp dụng, dùng phương pháp hạn chế phản ứng đối với những vật bị nhiễm khuẩn. Chương trình bao gồm những bài tập như chạm vào nắm cửa, cầm chổi, cây lau nhà và phất trần, và đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng mà không được rửa hay lau chùi theo thói quen. Hơn nữa, số lần rửa tay tối đa bị hạn chế còn 10 lần mỗi ngày, mỗi lần rửa ít hơn một phút. Anh chỉ có thể tắm một lần mỗi ngày trong vòng 20 phút. Sau 3 tháng điều trị, Boon Teng đã nhận thấy có sự cải thiện lớn, và từ đó cho đến 2 năm sau chỉ bị vài lần tái phạm nhỏ.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một chứng rối loạn lo âu dựa trên các ý nghĩ dai dẳng và ám ảnh/hoặc các hành vi cưỡng chế. Dù người bệnh nhân biết được rằng những ý nghĩ là của mình, nhưng hoàn toàn bất lực trước nó. Tương đương như vậy, hành động cưỡng chế hoặc “nghi lễ” là những hành vi dập khuôn, được lặp đi lặp lại mà không đạt được một mục đích nào cả.

Nỗi ám ảnh thường gặp nhất là sợ nhiễm khuẩn từ đất bụi, vi trùng hoặc dầu mỡ, dẫn đến thói quen tắm rửa cưỡng chế. Một số những ám ảnh khác bao gồm bạo lực, ngăn nắp, bệnh tật, tình dục, sự cân đối và tôn giáo. Một hành động cưỡng chế thường thấy nữa là việc kiểm tra và đo đếm, thường được thực hiện một cách nghi lễ với số lần nhất định mà người bệnh cho rằng “thần kì”. Khoảng 70% bệnh nhân OCD vừa có những ám ảnh vừa có những hành vi cưỡng chế; số bệnh nhân chỉ có những ý nghĩ ám ảnh chiếm khoảng 25%, còn trường hợp chỉ có hành vi cưỡng chế không đi kèm suy nghĩ thì tương đối hiếm.

Cho đến gần đây, OCD hay được coi là một căn bệnh hiếm. Tuy nhiên, một nghiên cứu cộng đồng được hỗ trợ bởi Viện Sức khỏe Tâm lý Quốc gia của Mỹ cho thấy rằng số người mắc chứng OCD lên đến 2% dân số. Một nghiên cứu cộng đồng khác với 3,020 người tại Singapore tuổi từ 13 đến 65 lại báo cáo tỷ lệ căn bệnh này chỉ ở mức 0.3% (Fones, Kua, Ng & Ko 1998). Hơn nữa, căn bệnh này thường bắt đầu vào độ tuổi cuối vị thành niên – đầu trưởng thành, thường diễn biến khó lường và mãn tính. Số phụ nữ bị mắc chứng bệnh này nhiều hơn nam giới một chút.

Trong số 40 bệnh nhân mẫu mắc chứng OCD được điều trị tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, 22 người là nam, và 80% số người có triệu chứng cả về ám ảnh lẫn hành vi cưỡng chế. Nỗi sợ hãi bị nhiễm khuẩn là điều thường gặp nhất (60%); những chủ đề gây ám ảnh khác bao gồm sự cân đối và hoàn hảo (25%), bạo lực (10%), và tôn giáo (10%). Độ tuổi thường gặp nhất là 15 đến 25 tuổi.

Cuộc sống của người mắc chứng ám ảnh cưỡng chế

Khi phải đối mặt với một ý nghĩ ám ảnh, người bệnh thường sẽ xuất hiện những triệu chứng lo lắng giống như bất cứ ai khi đang ở trong trạng thái lo âu. Dấu hiệu nhận biết rõ hơn là có những hành vi trốn tránh vì những hành động cưỡng chế (ví dụ như tắm rửa) không thể giảm nhẹ cảm giác lo âu của người bệnh. Ví dụ, nỗi kinh sợ ám ảnh về sự dơ bẩn, nhiễm khuẩn có thể dẫn đến hành động rửa tay nhiều lần sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Cuối cùng, người bệnh sẽ đơn giản là tránh luôn không sử dụng nhà vệ sinh công cộng nữa, hoặc tránh không chạm vào những vật thể được coi là “nhiễm khuẩn”. Điều này sẽ gây ra nhiều hạn chế trong cuộc sống thường ngày. Ở nhà, những thành viên trong gia đình thường bị bắt ép phải làm những hành động như tìm ra chỗ bẩn hoặc lau chùi dọn dẹp. Thường xảy ra mâu thuẫn trong gia đình khi bệnh nhân bị từ chối. Năng suất làm việc không hiệu quả hoặc bỏ học về nhà sớm không phải là những hành động hiếm thấy ở bệnh nhân OCD. Về mặt tình cảm, cảm xúc, có đến 2/3 bệnh nhân OCD bị trầm cảm nặng trong suốt cuộc đời.

Cách chữa trị ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một hội chứng có hình thức đa dạng và diễn biến khó lường. Nhiều mô hình điều trị đã thành công ở những mức độ nhất định trong việc cải thiện các triệu chứng OCD. Những liệu pháp này bao gồm dược lý trị liệu (pharmacotherapy), điều trị nhận biết hành vi (CBT), liệu pháp sốc điện (electro-convulsive therapy) và phẫu thuật tâm thần (psychosurgery). Thông thường, sử dụng một mình biện pháp trị liệu tâm lý sẽ không có hiệu quả, nhưng sự ủng hộ về mặt tinh thần, tâm lý cho bệnh nhân OCD và gia đình là vô cùng quan trọng

  1. Dược lý trị liệu (Pharmacotherapy)

Dược lý trị liệu hỗ trợ các bệnh nhân OCD bằng các loại thuốc chống trầm cảm (Antidepressant), đặc biệt là những thuốc có tác dụng lên hệ thống serotonin. Những thuốc này bao gồm clomipramine (75mg – 200mg), fluoxetine (20mg – 60mg), paroxetine (20mg – 60mg) và sertraline (50mg – 200mg). Những thuốc cân bằng tâm trạng như lithium cũng được sử dụng để tăng hiệu quả của thuốc chống trầm cảm, đặc biệt với những bệnh nhân đồng thời mắc chứng trầm cảm nặng. Đôi khi những thôi thúc, cưỡng chế kì quặc hoặc những ý nghĩ ám ảnh ở bệnh nhân OCD rất gần với bệnh thần kinh (Psychosis). Vì vậy, những thuốc chống thần kinh (Antipsychosis) như haloperidol, trifluoperazine ở liều nhẹ đã được kê đơn cùng với thuốc chống trầm cảm. Benzodiazepines thường chỉ có thể làm giảm bớt hành vi lo âu của bệnh nhân OCD. Hiện tại chỉ có clonazepam là thuốc chứa benzodiazephine duy nhất, được cho thấy có tác dụng chống những ám ảnh.

  1. Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioural Therapy CBT)

Liệu pháp “tự phơi nhiễm” (Exposure therapy) là phương pháp điều trị hành vi chính thường được sử dụng. Phương pháp này cho bệnh nhân OCD tiếp xúc với các vật thể kích thích sự lo âu, ám ảnh. Ví dụ chạm vào các vật có thể lây nhiễm bệnh như nắm đấm cửa, sàn nhà…vv. Bước sau đó là ngăn chặn hành vi, VD: bệnh nhân tự kiềm chế không rửa bàn tay vừa bị “nhiễm bẩn” của mình. Liệu pháp tự phơi nhiễm thường được thực hiện theo mức độ, cấp bậc tình huống gây sợ hãi.

Liệu pháp Làm mẫu (modelling) yêu cầu bác sĩ trị liệu làm mẫu cách xử lý một tình huống gây sợ hãi mà không thực hiện những hành vi, “nghi lễ” cưỡng chế. Cuối cùng, chuỗi ý nghĩ ám ảnh sẽ bị gián đoạn, từ đó bị ngắt hoàn toàn bằng cách dừng lại những suy nghĩ đó.

Trong các biện pháp trị liệu nhận thức, bệnh nhân được dạy cách đối mặt với thực tế của những điều khiến mình sợ hãi, chỉ ra rằng bệnh nhận đã đánh giá quá cao mức độ nguy hiểm của nó. Hướng suy nghĩ trắng-đen và phóng đại hóa cũng là những yếu tố làm sai lệch nhận thức.

  1. Liệu pháp sốc điện (electro-convulsive therapy ECT) và Phẫu thuật tâm lý (Psychosurgery)

Liệu pháp sốc điện (ECT) thường được cho là không hiệu quả đối với bệnh nhân OCD không bị trầm cảm hoặc có ý định tự tử, và phẫu thuật tâm lý (psychosurgery). Chỉ nên được áp dụng khi tất cả những biện pháp trị liệu hành vi và dược lý đều thất bại trong việc giảm bớt triệu chứng OCD.

Dự đoán

Cho đến thời gian gần đây, Rối loạn ám ảnh cưỡng chế luôn được coi là một trong những hội chứng khó đoán nhất trong các bệnh về rối loạn tâm lý. Bệnh này thường có một quá trình mãn tính và chiều hướng xấu đi, với các triệu chứng tăng giảm thất thường. Tuy nhiên, sự tiến bộ gần đây trong dược lý trị liệu, cũng như các phương pháp điều trị hành vi đã giúp giảm bớt triệu chứng OCD một cách đáng kể với 70% bệnh nhân. Mặc dù số đông bệnh nhân phản ứng tốt với phương pháp điều trị, thường vẫn có một số triệu chứng còn sót lại.

Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý và nghiên cứu chuyên sâu, chúng tôi tự hào là Trung tâm tư vấn và trị liệu đứng đầu về uy tín, chất lượng tại Hà Nội. Khi con bạn gặp bất cứ khó khăn nào về tâm lý, vui lòng liên hệ:

Công ty CP Phát triển Giáo dục Tâm lý Á Châu

Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng Khoa học tâm lý-giáo dục Á Châu

Số 12B-TT10, ngõ 24 đường Nguyễn Khuyến – Văn Quán- Hà Đông- Hà Nội

Hotline: 091 298 67 93 Website:tamlyachau.vn

Mail: tamlyachau@gmail.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here